Dạy Pha Chế Trà Sữa Cà Phê Kem

 

5 LƯU Ý KHI NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU KHÔNG THỂ BỎ QUA

 
Nhượng quyền thương hiệu là hình thức kinh doanh ngày càng thu hút người tham gia và trở thành “trào lưu” trong những năm gần đây. Hiện nay, nhượng quyền thương hiệu đã phát triển thành hoạt động tích hợp các công việc từ quản lý kinh doanh đến marketing và các hoạt động phân phối.
Tại Việt Nam, loại hình kinh doanh này đang trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho những ai muốn gia nhập thị trường F&B nói chung và mở quán đồ uống nói riêng.
Vậy vì sao hình thức kinh doanh này lại có sức hút mạnh mẽ đến vậy? Đầu tiên, hãy cùng Passion Link tìm hiểu nhượng quyền thương hiệu là gì và những ưu điểm nổi bật của loại hình kinh doanh này.
 

I. TÌM HIỂU VỀ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU

 
nhượng quyền thương hiệu là gì?

Nhượng quyền thương hiệu (hay Franchise) được hiểu là loại hình kinh doanh mà một cá nhân/tổ chức được phép sử dụng thương hiệu của bên nhượng quyền để kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ trong một khoảng thời gian được thoả thuận. Điều kiện để thực hiện nhượng quyền thương hiệu là bên nhận nhượng quyền phải đồng ý với các yêu cầu của chủ thương hiệu trong thời gian nhượng quyền.
Khi mua nhượng quyền thương hiệu, đồng nghĩa với việc bạn sẽ được sở hữu các yếu tố cấu thành nên một thương hiệu nổi tiếng, bao gồm cả quy trình vận hành cửa hàng, bí quyết kinh doanh, cách bày trí và thiết kế cửa hàng, các chiến lược marketing... đều nằm trong số tiền mà bạn đã chi trả để nhận nhượng quyền.

 
nhượng quyền thương hiệu trà sữa

Bên nhượng quyền đã định vị được thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh của họ, đồng thời đã chiếm được một thị phần không nhỏ và có danh tiếng trên thị trường. Do đó, bên nhận nhượng quyền sẽ không phải tốn thời gian xây dựng thương hiệu nữa. Thay vào đó chỉ cần tập trung vào việc kinh doanh cửa hàng sao cho hiệu quả để thu được lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chủ nhượng quyền sẽ phải hỗ trợ tối đa cho bên nhận nhượng quyền từ các vấn đề pháp lý cho tới quy trình vận hành, tiếp thị, đào tạo nhân viên... Đồng thời giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm/dịch vụ với các quy trình từ thiết lập, vận hành, duy trì, phát triển đều được hệ thống hóa. Điều này nhằm quản lý hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn và đảm bảo các sản phẩm/dịch vụ nhượng quyền được thực hiện một cách tiêu chuẩn nhất.

 
đào tạo nhân viên nhượng quyền

Sở dĩ kinh doanh nhượng quyền thương hiệu nở rộ những năm gần đây là nhờ những ưu điểm to lớn dễ dàng nhận thấy như: tiết kiệm thời gian và công sức xây dựng thương hiệu, chất lượng dịch vụ được đảm bảo, quy trình kinh doanh được hệ thống hóa, nhận được sự hỗ trợ tối đa từ chủ thương hiệu và được đào tạo quy trình vận hành bài bản.
Có thể thấy, nhượng quyền thương hiệu là một trong những hình thức kinh doanh nổi bật nhất hiện nay và sở hữu rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này cũng mang đến không ít hạn chế đối với bên nhận nhượng quyền.
 

II. NHƯỢC ĐIỂM CỦA NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU


1. Chi phí đầu tư rất lớn

Để sở hữu một cửa hàng nhượng quyền của một thương hiệu đã có tiếng, ngoài chi phí ban đầu để mua nhượng quyền thương hiệu, bạn còn cần phải đưa ra một phần lợi nhuận hàng tháng (tuỳ theo thoả thuận với bên nhượng quyền và loại hình nhượng quyền mà bạn lựa chọn). Cần biết rằng, chi phí mua nhượng quyền thương hiệu là rất lớn. Đối với các thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài, con số này có thể lên đến mười mấy triệu USD. Với các thương hiệu nhỏ hơn cũng có giá không rẻ, chi phí thấp nhất để mua nhượng quyền thương hiệu sẽ rơi vào khoảng vài trăm triệu đồng.
 
nhượng quyền trà sữa

Bên cạnh đó, bạn phải chi trả chi phí mặt bằng, tiền lương cho nhân viên, chi phí quảng cáo, chi phí cho các cơ sở vật chất trong quán và rất nhiều các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động hàng tháng cho quán.
Điều này sẽ tạo nên áp lực tài chính rất lớn cho chủ cửa hàng, nhất là trong giai đoạn đầu mở quán, đòi hỏi bạn phải có tài chính đủ mạnh để sẵn sàng với việc mua nhượng quyền.
 
giá nhượng quyền quán cafe
 

2. Không được sở hữu hoàn toàn thương hiệu

Khi bên nhận nhượng quyền trả tiền cho bên nhượng quyền để được phép kinh doanh theo hình thức này, nên nhớ rằng điều đó không có nghĩa là bạn có thể sở hữu thương hiệu nhượng quyền này. Thay vào đó, bạn chỉ đang là chủ cửa hàng kinh doanh dưới tên của một thương hiệu thuộc quyền sở hữu của người khác.
Nếu trong quá trình kinh doanh, bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được những yêu cầu của bên nhượng quyền, khi đó nguy cơ được yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhượng quyền là rất cao. Cùng với đó, mọi nỗ lực của bạn đều có thể trở thành công cốc.
 

3. Rủi ro khi kinh doanh chuỗi

Việc kinh doanh trong cùng một hệ thống nhượng quyền lớn sẽ dẫn đến việc các cơ sở có thể tác động lẫn nhau. Chẳng hạn như, khi một cửa hàng chẳng may vướng phải tai tiếng, thì tất cả các cửa hàng còn lại trong hệ thống cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Đây là điều rất khó tránh khỏi.
Do đó, các chủ cửa hàng kinh doanh nhượng quyền cần phải chuẩn bị tinh thần và lập sẵn kế hoạch ứng phó nếu gặp phải các trường hợp này.
 

4. Cạnh tranh với các cửa hàng trong cùng hệ thống


Khi hoạt động cửa hàng nhượng quyền, bạn không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các thương hiệu khác mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng để “so kè” với các đơn vị trong cùng hệ thống nhượng quyền. Thậm chí, trên cùng một con đường có thể xuất hiện hai cửa hàng nhượng quyền giống nhau, khi đó mức độ cạnh tranh được đẩy lên cao hơn bao giờ hết, bởi lẽ chỉ cần một sự khác biệt nhỏ đã có thể khiến khách hàng đưa ra sự so sánh và lựa chọn cửa hàng muốn đến.
Điều này vô hình chung đã đặt ra thách thức vô cùng lớn cho chủ cửa hàng về việc làm thế nào để thu hút và giữ chân khách hàng.

 
cạnh tranh trong nhượng quyền 
 

5. Thiếu sáng tạo khi kinh doanh nhượng quyền

Khi nhận nhượng quyền thương hiệu đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải hoạt động kinh doanh với một hệ thống có khuôn mẫu sẵn. Mọi quyết sách, chiến lược kinh doanh, chương trình khuyến mãi.... đều được đưa xuống từ chủ thương hiệu và bắt buộc bên nhận nhượng quyền phải áp dụng theo đúng những gì đã đưa ra. Vô hình chung, bạn sẽ mất dần sự linh hoạt và khả năng sáng tạo trong kinh doanh. Đồng thời, bạn cũng sẽ rất khó có thể chủ động đưa ra quyết định trong việc quản lý cửa hàng và bị phụ thuộc hoàn toàn vào bên nhượng quyền.
 

III. RỦI RO KHI MUA NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU


1. Không thể đảm bảo tuyệt đối sẽ thành công

Ngay cả khi bạn đã chi một số tiền lớn để sở hữu một cửa hàng nhượng quyền có uy tín từ trước thì cũng không thể đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ thành công với mô hình kinh doanh này. Bởi lẽ trong quá trình vận hành cửa hàng nhượng quyền, chủ cửa hàng sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến số có thể phát sinh từ khâu quản lý, tệp khách hàng tại địa phương đến cách làm việc với bên nhượng quyền.
Thế nên, việc trang bị kiến thức vận hành và kinh doanh quán, nghiên cứu thị trường một cách kỹ càng, đồng thời xây dựng mối quan hệ gần gũi với bên nhượng quyền đều là những điều mà các chủ quán cần chú trọng.
 

2. Quá nhiều biến số sau khi mua nhượng quyền

Thực tế hiện nay, có rất nhiều chủ quản nhượng quyền luôn mập mờ về các khoản chi phí phát sinh trong quá trình nhượng quyền thương hiệu. Mãi cho đến khi đi vào hoạt động chính thức, một số chủ quản nhượng quyền sẽ bắt buộc chủ cửa hàng phải chi trả thêm các khoản chi phí như phí hoạt động, chi phí duy trì quyền nhượng quyền hàng năm, chi phí phát triển hệ thống...
Ngoài ra, một số đơn vị nhượng quyền còn có thể bắt chủ cửa hàng phải liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn đồng thời giữ nguyên hoặc giảm rất ít giá nguyên liệu đầu vào. Điều này dẫn đến việc cửa hàng có thể đối mặt với nguy cơ không thu được lãi thậm chí là bán lỗ.
Do đó, để giảm thiểu các vấn đề phát sinh gây bất lợi cho cửa hàng, bạn nên trao đổi thật kỹ với bên nhượng quyền ngay khi thương thảo hợp đồng.
 

3. Bị phụ thuộc vào thương hiệu mẹ

 
chuỗi cửa hàng nhượng quyền

Một khi nhận nhượng quyền thương hiệu, chủ cửa hàng sẽ bị phụ thuộc rất lớn vào danh tiếng của thương hiệu mẹ. Điều này có nghĩa là khi hệ thống chủ xảy ra bất cứ vấn đề gì cũng sẽ ảnh hưởng đến các cửa hàng nhượng quyền. Nếu thương hiệu mẹ gặp phải các vấn đề khó khăn như như rủi ro tài chính hay các vấn đề về luật pháp... cũng sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến hiệu quả hoạt động của các cửa hàng nhận nhượng quyền. 
 

4. Rủi ro khi đơn phương kết thúc hợp đồng

Thông thường, một hợp đồng nhượng quyền thương hiệu sẽ có thời hạn tối thiểu là 5 năm. Nếu trong quá trình kinh doanh, bên nhận nhượng quyền không hài lòng với hiệu quả kinh doanh hay phát sinh các vấn đề bất lợi cho cửa hàng và muốn kết thúc hợp đồng trước thời hạn, khi đó chủ cửa hàng có thể phải đối mặt với các hậu quả pháp lý và tài chính vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, hợp đồng nhượng quyền thường không cho phép việc chuyển nhượng hoặc bán lại quyền nhượng quyền. Điều này sẽ khiến bên nhận nhượng quyền càng khó khăn hơn trong việc thoát khỏi thương vụ này.
 

IV. NHỮNG LƯU Ý KHI NHẬN NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU


1. Kinh doanh nhượng quyền thương hiệu không rẻ


Như đã nói ở trên, chi phí để mua nhượng quyền thương hiệu là rất lớn. Ngoài ra, mức chi phí để duy trì hợp đồng và vận hành cửa hàng hằng tháng cũng là một con số không hề nhỏ. Do đó, bên nhận nhượng quyền cần phải tính toán thật kỹ dựa theo tài chính vốn có của bản thân và cân nhắc về các khoản phí có thể phát sinh sau khi mua nhượng quyền. Nếu bạn đã dành hết tài chính cho thương vụ nhượng quyền này và gần như không còn khoản dự trù để giải quyết rủi ro, thì lựa chọn mua nhượng quyền trong thời điểm hiện tại nên được xem xét lại.
 
chi phí nhượng quyền thương hiệu 
 

2.Tìm hiểu thật kỹ về nhượng quyền và trao dồi kiến thức kinh doanh

Một trong những điều cần lưu ý trước khi quyết định mua nhượng quyền thương hiệu là tìm hiểu thật kỹ về các hình thức nhượng quyền, từ đó xem xét kỹ càng về nhu cầu và mức tài chính để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp.

Hiện nay có 4 loại hình nhượng quyền kinh doanh cơ bản:

2.1. Nhượng quyền kinh doanh toàn diện (full business format franchise)

Là hình thức nhượng quyền toàn phần và có thời hạn quy định trung bình. Trong đó, bên nhượng quyền phải đảm bảo cung cấp toàn bộ thông tin về thương hiệu như: bí quyết kinh doanh, hệ thống, chiến thuật, công thức, dịch vụ,… cho bên nhận nhượng quyền.
Hình thức nhượng quyền toàn phần này sẽ có 2 khoản chi phí cố định là phí nhượng quyền ban đầu và phí bản quyền liên tục.
 

2.2. Nhượng quyền kinh doanh không toàn diện (non-business format franchise)

Đây là hình thức nhượng quyền bán phần, hay có thể hiểu là mô hình kinh doanh nhượng quyền mà bên nhượng quyền chỉ phải chia sẻ một phần trong các nội dung nhượng quyền như bí quyết, công thức,… Đồng thời, bên nhượng quyền cũng sẽ ít tham gia vào quy trình phân phối hay xử lý đơn.
 

2.3. Nhượng quyền có tham gia quản lý (management franchise)

Hình thức nhượng quyền này cho phép bên được nhượng quyền sử dụng hệ thống quản lý của đơn vị nhượng quyền, được phép thực hiện các công việc quản lý, điều hành, sử dụng thương hiệu,…
Bên cạnh đó, bên nhượng quyền còn có trách nhiệm phải đào tạo hệ thống nhân sự, thực hiện các chiến dịch tuyển dụng cũng như chia sẻ các tài sản thương hiệu cho bên nhận nhượng quyền. Qua đó đảm bảo chất lượng và duy trì ổn định cho thương hiệu.
 

2.4. Nhượng quyền kinh doanh có tham gia đầu tư vốn (equity franchise)

Là loại hình nhượng quyền kinh doanh mà bên nhượng quyền sẽ được tham gia vào hội đồng quản trị của bên nhận nhượng quyền với số vốn là rất nhỏ hoặc không đáng kể.
Hình thức nhượng quyền có sự tham gia đầu tư vốn này thường phù hợp với những đơn vị kinh doanh chưa có được đội ngũ nhân viên vững mạnh cũng như quy trình vận hành kinh doanh phù hợp mà vẫn muốn khai phá các thị trường tiềm năng mới.

 
kinh doanh nhượng quyền thương hiệu 

Sau khi tìm hiểu kỹ các hình thức nhượng quyền, đưa ra đánh giá và lựa chọn loại hình phù hợp, bạn còn cần phải có một nền tảng kiến thức kinh doanh nhất định để có thể tiếp nhận nhượng quyền và vận hành quán một cách thuận lợi.

Không riêng gì trong hoạt động nhượng quyền, khi bạn có ý định đầu tư hay kinh doanh bất kỳ một sản phẩm dịch vụ nào, thì việc trang bị các kiến thức cơ bản về lĩnh vực đó là vô cùng cần thiết.
Trước khi chính thức ký kết hợp đồng với bên nhượng quyền, hai bên phải trải qua quá trình đàm phán và thỏa thuận kỹ càng về các điều khoản trong hợp đồng. Bạn có thể tìm đến các công ty tư vấn pháp luật để giúp bạn phân tích hợp đồng, với mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên nhượng quyền và nhận nhượng quyền, ngăn ngừa phát sinh tranh chấp pháp lý và nếu chẳng may có xảy ra tranh chấp thì cũng có cơ sở để giải quyết vấn đề.

 
loại hình nhượng quyền thương hiệu
 

3. Nghiên cứu thị trường nhằm lựa chọn thương hiệu phù hợp

Trước khi quyết định mua nhượng quyền thương hiệu, bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ thị trường mà mình đang muốn hướng tới, nghiên cứu nhu cầu khách hàng đồng thời tìm hiểu những đối thủ cạnh tranh trong cùng khu vực một cách tỉ mỉ. “Biết người biết ta” sẽ giúp bạn đưa ra kế hoạch toàn diện hơn và tăng xác suất lựa chọn đúng đắn.
Bên cạnh đó, bạn cần phải tìm hiểu thật tường tận các thương hiệu nhượng quyền mà mình đang nhắm đến, phân tích ưu nhược điểm, tìm hiểu thị phần và danh tiếng của các thương hiệu, từ đó lựa chọn một thương hiệu phù hợp nhất với nhu cầu mua nhượng quyền của mình.
Thêm một lưu ý không thể bỏ qua nữa là vấn đề bảo hộ thương hiệu, đây là việc vô cùng quan trọng trong kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Hãy tìm hiểu thật kỹ và đảm bảo rằng thương hiệu mà bạn chuẩn bị nhận nhượng quyền đã đăng ký bản quyền và nhận được sự bảo hộ của pháp luật. Nếu không, bạn có thể đứng trước nguy cơ phải bỏ ra một số tiền khổng lồ để mua một thương hiệu bị đánh cắp một cách trắng trợn. Ngoài ra, bạn cần phải tìm hiểu kỹ về quy định của pháp luật đối với hoạt động nhượng quyền thương hiệu, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 

4. Lựa chọn địa điểm kinh doanh

Đối với ngành F&B nói chung và kinh doanh nhượng quyền nói riêng, việc lựa chọn địa điểm cửa hàng là vô cùng quan trọng. Thông thường, bên nhượng quyền sẽ đưa ra các yêu cầu nhất định để chủ cửa hàng lựa chọn mặt bằng kinh doanh ở các khu vực đông dân cư, những con đường đông người qua lại, đặc biệt là ưu tiên những khu vực gần trường học, khu vui chơi, trung tâm mua sắm,…
Trên thực tế, cho dù thương hiệu được nhượng quyền có nổi tiếng đến mấy, nếu bạn chọn sai vị trí đặt cửa hàng thì mọi công sức cũng như chi phí đầu tư đều sẽ bị lãng phí. Việc lựa chọn vị trí kinh doanh thường sẽ được bên nhượng quyền tư vấn kỹ càng cho bên nhận nhượng quyền. Vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu cửa hàng mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh của thương hiệu mẹ.
Thế nhưng bạn cần phải lưu ý một điều, địa điểm cửa hàng càng đắt địa đồng nghĩa với chi phí thuê mặt bằng càng cao. Do đó bạn cần phải xem xét kỹ càng để đưa ra quyết định phù hợp với nguồn tài chính hiện có.

 
mặt bằng quán nhượng quyền
 

5. Lập kế hoạch chi tiết để hạn chế rủi ro

Lập kế hoạch là một bước không thể thiếu trước khi quyết định kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Lập kế hoạch càng chi tiết càng tốt sẽ giúp bạn hạn chế rủi ro một cách thấp nhất. Cho dù khi tiếp nhận một mô hình nhượng quyền bạn đã có thể bắt tay vào tiến hành kinh doanh ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng bạn sẽ phải rất lao đao nếu như có những tình huống xấu xảy ra.
 

 
lập kế hoachcj kinh doanh nhượng quyền

Không thể phủ nhận, nhượng quyền thương hiệu là một hình thức kinh doanh hấp dẫn và ngày càng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích béo bở cũng tồn tại rất nhiều rủi ro mà các chủ cửa hàng nhượng quyền cần phải đối mặt. Nếu bạn đã quyết tâm gia nhập vào thương vụ kinh doanh này, bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ từ nguồn tài chính, kiến thức kinh doanh đến nghiên cứu thị trường... Bên cạnh đó, bạn cần phải lập kế hoạch thật chi tiết để có thể ứng phó và xử lý rủi ro phát sinh trong quá trình kinh doanh.

Tin tức khác

Đăng ký khóa học

 
 

Gọi tư vấn

Chat Zalo